Nhà thờ họ không chỉ là thờ cúng ông bà tổ tiên của đại gia đình mà còn là nơi thờ cúng, tập trung con cháu của cả họ để thể hiện lòng thành của mình đến tổ tiên. Việc sắp xếp, bài trí bàn thờ họ như nào để đảm bảo về yếu tố tâm linh cũng như thuận tiện trong việc thờ cúng là vấn đề mà nhiều người quan tâm.
NỘI DUNG
Vị trí đặt bàn thờ họ
Mỗi dòng họ đều có 1 nhà thờ họ, là nơi con cháu tập trung về mỗi dịp giỗ chạp hoặc ngày lễ tết. Nhà thờ họ phổ biến trong văn hóa người Việt khu vực đồng bằng và trung du Bắc, Trung Bộ, thường được xây dựng riêng biệt ở 1 mảnh đất của dòng họ hoặc của trưởng họ.
Xem thêm: Bà Cô Tổ, Ông Mãnh Tổ dòng họ là ai?
Nhà thờ họ điển hình là một ngôi nhà cổ hình chữ Nhất nằm ngang với hai mái trước và sau theo kiểu thu hồi bít đốc (hồi văn), mái ngói đỏ, quy mô công trình thường là từ 3 hoặc 5 gian. Ngày nay nhà thờ họ được thiết kế theo kiến trúc đa dạng như chữ Đinh, chữ Công, chữ Nhị. Tuy nhiên tùy vào từng điều kiện kinh tế của từng dòng họ, một số nhà thờ có thể kết hợp vừa để thờ, vừa để ở. Khi đó, ban thờ cúng tổ tiên được bố trí ở gian giữa, chỗ ở sẽ được bố trí hai bên gian hồi.
Nhà thờ họ là là nơi lưu giữ gia phả, văn tự cổ, sắc phong, thương thờ, bài vị, di tích của tổ tiên cùng những điển tích về dòng họ. Nói cách khác, đây được coi như một bảo tàng thu nhỏ của dòng họ, nó chứa đựng rất nhiều thông tin về dòng họ. Ban thờ tại nhà thờ họ vì thế cũng được bài trí vô cùng đầy đủ, chỉn chu và cẩn thận.
Cách bài trí bàn thờ họ
Nội thất nhà thờ họ hay từ đường là một phần quan trọng không thể thiếu của nhà thờ, việc thiết kế bố trí nội thất đồ thờ trong nhà thờ họ được xem trọng hàng đầu tạo cho không gian bên trong vẻ uy nghi, tôn kính của nhà thờ họ, nhưng việc bố trí sao cho đúng với lề lối lại là điều không phải ai cũng hiểu rõ.
Khác với bàn thờ gia tiên tại mỗi gia đình thì bàn thờ dòng họ, tổ tiên hay còn gọi là bàn án gian thờ đại từ đường thì ngoài bàn thờ chính thì còn các loại bàn thờ phụ thờ Chi, vọng, bàn thờ Bà Cô Ông Mãnh, bàn thờ cho Người mới mất,…
Gian thờ chính
Nhìn vào gian chính giữa bàn thờ tổ sẽ gồm 2 lớp:
Lớp ngoài gồm: Bàn thờ tổ được chạm hoa văn cầu kỳ, tỷ mỷ thường được làm bằng bàn thờ ô xa, bàn thờ chấp tải, bàn thờ án gian, sập thờ chân quỳ…kích thước của bàn thờ này thường làm 2m17 (hoặc dài 1m97) rộng 1m07 hoặc 87cm, cao 1m27. Trên mặt bàn thờ tổ bài trí bộ đồ thờ tam sự, ngũ sự, mâm bồng, ống hương, đài nến, bát hương, đỉnh đồng…
Lớp trong thường làm bàn thờ án hành hay gọi là bàn hành được tối giản hoa văn do đặt phía trong, kích thước làm dài bằng bàn thờ tổ bên ngoài nhưng cao hơn khoảng 20 cm dùng để đặt ngai thờ, khám thờ và bài vị thờ thủy tổ.
Xem thêm: Những người như nào cần cúng phả độ gia tiên?
Hoành phi, bức đại tự và câu đối là vật không thể thiếu trong mỗi không gian thờ của nhà thờ họ. Hoành phi là tấm gỗ ngang được khắc 3,4 chữ Nho hoặc chữ Hán được treo trịnh trọng của trên cao phía giữa gian thờ tổ. Đôi câu đối được treo ở hai cột phía trước bàn thờ và treo bên trong sát tường phía 2 bên của bàn thờ. Mỗi bức hoành phi – câu đối được sơn son thếp vàng, thếp bạc và được lưu truyền qua các thế hệ có ý nghĩa riêng mang nội dung ca tụng công đức của tổ tiên, tỏ lòng kính trọng của con cháu tới cội nguồn, nơi sinh thành.
Cửa võng thờ hoặc thiều chầu thờ (cửa khám) thường được chạm hoa văn cầu kỳ tinh xảo treo giữa hai cây cột và dưới hoành phi của gian thờ.
Ngoài ra tại gian thờ chính của nhà thờ họ có thể bài trí thêm đôi hạc thờ hoặc nếu có tổ tiên làm quan trong triều đình thì có thể bày bộ bát bửu chấp kích đặt phía trước bàn thờ tổ.
Gian thờ phụ
Hai gian thờ phụ (bên tả và hữu của nhà thờ họ) thông thường một bên gian thờ sẽ lập ban thờ thần linh, thổ địa hay thờ bà cô, ông mãnh và một bên lập ban thờ cho nhà trưởng hoặc ban thờ bà mẹ việt nam anh hùng… do các thành viên trong dòng họ quyết định.
Bàn thờ 2 bên gian thờ này cũng được chạm hoa văn nhưng thường làm nhỏ ban thờ tổ chính giữa là dài 1m97 (hoặc dài 1m75) rộng 87cm (hoặc rộng 97cm) cao 1m07 (hoặc cao 1m17). Gian thờ phụ cũng được treo hoành phi, cửa võng và bày các đồ thờ khác.
Bàn thờ họ có mấy bát hương?
Bát hương sử dụng ở nhà thờ họ cũng là điều mà không phải ai cũng biết. Thông thường 1 ban thờ họ sẽ gồm 6 bát hương:
Bát hương thứ nhất là bát hương thờ Thần linh
Bát hương thứ hai là bát hương thờ Thủy Tổ (Đời thứ nhất của một dòng họ)
Bát hương thứ ba là bát hương thờ tiên tổ (Tính từ đời thứ hai cho đến vị thân sinh của cao tổ khảo được tôn vinh là tiên tổ)
Bát hương thứ tư là bát hương thờ các vị cao tổ không có con cháu thờ tự (Đối với các vị cao tổ có con cháu thì sẽ được thờ tại các nhà thờ họ chi tộc theo phân cấp)
Bát hương thứ năm là bát hương thờ Bà Cô Ông Mãnh (Những người chết trẻ, chưa lập gia đình… của dòng họ)
Bát hương thứ 6 là bát hương cô hồn (Các vong hồn của dòng họ có vận số yểu mệnh, những vong hồn thất lạc không rõ danh tính, tuổi tác, không người hương khói…).
Nguyên tắc chung khi bố trí bát hương trên bàn thờ nhà thờ tổ vẫn là:
Linh điện cao nhất (nơi đây đặt thần chủ và bát hương thờ Thần linh, linh điện được đặt tách riêng ở vị trí bên trái nhà thờ họ và cao hơn Thượng điện 1 chút)
Điện thờ gia tộc gồm 3 cấp hương án là Thượng điện (nơi đặt thần chủ và bát hương thờ Thủy Tổ), Trung điện (nơi đặt thần chủ và bát hương thờ Tiên Tổ) và Hạ điện (nơi đặt thần chủ và bát hương thờ các vị Cao tổ).
Bát hương thờ Bà Cô Ông Mãnh được đặt ở vị trí thấp nhất trên hương án và thấp hơn các bậc tiên tổ khác.
Ngoài ra, bát hương cô hồn được đặt ở vong điện (ở ngoài sân/ngoài hiên nhà thờ họ) hoặc lập riêng một miếu thờ nhỏ phía ngoài bên phải nhà thờ họ.